Một Số Hệ Thống Âm Thanh Xe Trên Ô Tô Đời Mới

Hệ thống âm thanh là một phần không thể thiếu trên bất kỳ dòng xe ô tô nào từ xe tải, xe khách đến xe hơi sang trọng. Nhờ có nó mà người lái xe có thể nghe nhạc, nghe tin tức trong quá trình lái xe. Vậy lịch sử phát triển của hệ thống âm thanh trên ô tô như thế nào? Bao gồm những thiết bị gì? Tất cả sẽ được Anh Duyên Audio giải đáp trong bài viết dưới đây.

Lịch sử phát triển của hệ thống âm thanh trên xe ô tô

Hệ thống âm thanh trên ô tô bắt đầu xuất hiện từ năm 1930. Tính đến nay nó đã phát triển qua một chặng đường khá dài với những cột mốc quan trọng như sau:

  • Năm 1930:

Năm 1930, lần đầu tiên trong lịch sử những chiếc radio dành cho xe ô tô đã ra đời từ quá trình nghiên cứu và phát minh của 2 anh em doanh nhân Paul và Joseph Galvin. Đây được xem là phiên bản tiêu chuẩn cao cấp ở Mỹ mãi đến đầu những năm 1950.

  • Giai đoạn 1950 – 1960:

Năm 1956, Chrysler đã cho ra mắt chiếc máy quay đĩa trên ô tô đầu tiên với tên gọi Highway Hi-Fi. Tuy nhiên, phát minh này không thành công do thiết bị không thể hoạt động tốt khi gặp dạng địa hình gồ ghề hiểm trở.

Vào những năm đầu thập niên 60, nhận ra tiềm năng phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4-track, Madman Muntz đã phát minh ra thiết bị Autostereo. Điều này đã đánh dấu sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử người sở hữu xe ô tô có quyền tự do lựa chọn trải nghiệm âm thanh của riêng mình. Công nghệ này sau đó đã phát triển thành bộ phát 8-track.

Tới năm 1964, Phillips đã phát minh ra chiếc cassette nhỏ gọn đầu tiên dành cho xe hơi. Tuy nhiên, nó lại không được sử dụng phổ biến bởi bộ phát 8-track đã trở thành tiêu chuẩn nhờ tính đơn giản và chi phí thấp.

  • Giai đoạn 1970 – 1980:

Vào năm 1979, Sony đã cho ra đời máy nghe nhạc chạy băng Walkman. Từ đó, băng cassette đã được sử dụng ngày càng rộng rãi bởi tính năng tạo danh sách phát nhạc độc lập.

  • Giai đoạn 1980 – 1990:

Năm 1984, Pioneer phát triển ra đầu đĩa CD dành riêng cho ô tô được gọi là đầu đĩa CDX-1. Thiết bị này có sự cải thiện về chất lượng âm thanh vượt trội hơn hẳn so với các sản phẩm khác trên thị trường lúc bấy giờ. Nó không chỉ đảm bảo chất lượng âm thanh trong trẻo mà còn hỗ trợ tính năng tua bài nhanh chóng.

Vào giữa những năm 90 của thế kỷ 20, bộ đổi đĩa CD ra đời cho phép người nghe có thể chuyển đổi giữa 10 đĩa CD cùng một lúc.

  • Từ năm 2000 đến nay:

lich-su-ra-doi-he-thong-am-thanh-oto-1

Năm 2000, máy nghe nhạc MP3 đã ra đời. Nó có khả năng lưu trữ số lượng lớn bài hát trên cùng một thiết bị di động. Đặc biệt, thiết bị này có khả năng kết nối hệ thống âm thanh trên ô tô với nhiều nguồn phát thông qua cổng USB, cổng AUX hoặc Bluetooth không dây.

Hiện nay, với tốc độ phát triển mạnh mẽ của công nghệ, người dùng có thể lựa chọn nhiều tiện ích mới trên hệ thống âm thanh như: Spotify, Apple Carplay, Pandora, Android Auto,… ngay trên chính chiếc “xế hộp” của mình để tạo ra những trải nghiệm tuyệt vời.

Cấu tạo hệ thống âm thanh trên ô tô nguyên bản

cau-tao-he-thong-am-thanh-tren-xe-ot-nguyen-ban

Các dòng xe hạng sang đến từ những thương hiệu nổi tiếng thường có sự đầu tư rất lớn về hệ thống âm thanh trên xe ô tô. Điển hình như xe Mercedes có hệ thống âm thanh vòm Burmester, các dòng xe C-Class (C200, C300 AMG), E-Class (E200, E300 AMG) đều được trang bị hệ thống âm thanh vòm Burmester 13 loa. Riêng dòng xe S-Class Maybach có tới 26 loa. Trong xe bao gồm đầy đủ loa Mid, Sub và Treble được bố trí ở nhiều vị trí bên trong xe.

Tuy nhiên, ở các dòng xe phổ thông thì một số thiết bị hỗ trợ giải trí như màn hình ô tô hay hệ thống âm thanh thường ít được chú trọng nhằm tối ưu chi phí.

  • Nhóm xe giá rẻ như: KIA Morning, Toyota Wigo hay Hyundai i10, … hệ thống âm thanh oto trên xe này thường chỉ có âm thanh 4 loa bố trí ở 4 cánh cửa.
  • Nhóm xe hạng B và hạng C có thể kể đến như: Hyundai Elantra, Hyundai Accent hay Toyota Vios,… thì hệ thống âm thanh oto trên các xe này chỉ có âm thanh 6 loa. Trong đó 4 loa được đặt ở cánh cửa và 2 loa còn lại ở phía trước. Riêng ô tô của Mazda 3 thì được đầu tư nhiều hơn với hệ thống tới 8 loa.
  • Nhóm xe hạng D trên 1 tỷ đồng cũng được đầu tư nhiều hơn về dàn âm thanh ôtô như: Honda Accord với 8 loa, Toyota Camry với 9 loa, Mazda 6 với 11 loa,…
  • Khác với xe hạng sang, những dòng xe hơi phổ thông đa phần chỉ sử dụng loa Mid loại thường. Chỉ có một số mẫu xe trên 1 tỷ đồng mới được trang bị hệ thống loa ô tô đến từ những thương hiệu lớn như Mazda 6 là loa Bose, Toyota Camry là loa JBL.

Nhìn chung, với xe hơi giá dưới 1 tỷ đồng thì hệ thống âm thanh trên xe ôtô chỉ ở mức trung bình đảm bảo đủ nghe.

Hệ thống âm thanh xe trên ô tô đời mới

Trong những năm qua, các hãng sản xuất ô tô ngày càng chú trọng nhiều hơn đến chất lượng âm thanh trên xe. Nhiều công ty đã bắt đầu trang bị thêm một số thiết bị cao cấp để người dùng có thể tận hưởng không gian giải trí thoải mái nhất. Trong đó, 3 thành phần chính luôn được quan tâm đầu tiên cũng chính là 3 điều khách hàng chú ý nhất khi nhắc tới hệ thống âm thanh trên ô tô đó là bộ đầu phát, amplifier và loa.

lich-su-ra-doi-he-thong-am-thanh-oto

Đầu phát (head unit) trên xe oto

Nếu như các hệ thống âm thanh tại nhà sử dụng nhiều bộ phận riêng với những công dụng khác nhau và kết nối chúng cable, thì đầu phát của hệ thống âm thanh trong trên xe ô tô thường kết nối tất cả trong một (all in one). Lý do là bởi không gian bên trong xe khá hạn chế nên không có đủ chỗ để “trưng bày” cùng lúc quá nhiều thứ.

Đầu phát sẽ có nhiệm vụ kiểm soát mức âm lượng cũng như khả năng chuyển đổi giữa các nguồn phát đang sử dụng. Tính năng thu sóng radio của đầu phát bao gồm sóng AM, sóng FM và cả các dịch vụ radio qua vệ tinh như XM hay Sirius.

Hiện tại, công nghệ HD Radio đã được áp dụng giúp chất lượng âm thanh sóng AM/FM tốt hơn. Đi cùng với đó là một số tính năng cần thiết khác như thêm kênh, truy cập và hiển thị thông tin….

Ngoài ra, đầu phát trên xe ô tô còn hỗ trợ kết nối với USB hoặc iPod để phát các file nhạc được lưu trong bộ nhớ. Nó cũng cho phép kết nối không dây qua Bluetooth và phát nhạc từ điện thoại di động.

Các tính năng khác của đầu phát thường gồm khả năng chỉnh tone, xử lý tín hiệu và tự động cân bằng âm lượng theo tiếng ồn,… Ngoài ra, nhiều hệ thống âm thanh hi-end còn có cả loa subwoofer riêng biệt với bộ điều khiển.

Amplifier trong hệ thống âm thanh ô tô

Quá trình khuếch đại âm thanh phụ thuộc rất lớn vào preamp và power amplifier của đầu phát. Preamp sẽ nhận tín hiệu từ các nguồn phát sau đó đưa tới power amplifier rồi khuếch đại tín hiệu. Nhờ vậy, âm thanh sẽ không bị ảnh hưởng bởi các thiết bị điện tử trong xe.

Đa phần đầu phát gắn trong xe ô tô đều có tích hợp power amplifier công suất thấp để kéo một số loa nhỏ. Còn với những hệ thống âm thanh xe hơi cao cấp thường được trang bị loa có công suất cao hoặc số lượng loa nhiều hơn thì power amplifier sẽ có kích thước và gắn riêng để quá trình tản nhiệt tốt hơn.

Loa trong hệ thống âm thanh xe ôtô

Loa là thiết bị nhận tín hiệu điện đã được khuếch đại từ power amplifier rồi chuyển đổi chúng thành năng lượng cơ học để làm màng loa dao động, qua đó tạo ra âm thanh phát ra ngoài. Tai người có khả năng nghe được âm thanh trong khoảng 20 Hz ~ 20 kHz, nên dải âm của loa thường cũng chỉ giới hạn trong mức này.

Những hệ thống âm thanh ô tô cơ bản thường sử dụng dòng loa toàn dải (loa full) để đánh được hết các dải tần từ cao đến thấp. Tuy nhiên âm thanh mà chúng phát ra chỉ ở mức độ vừa phải, không quá xuất sắc. Trong khi đó, những hệ thống âm thanh trong các dòng xe hơi cao cấp được tích hợp thêm các củ loa bass, loa mid và loa tweeter riêng biệt, cho phép thể hiện các dải tần một cách chi tiết hơn nhiều.

Ngoài ra, nhiều hệ thống âm thanh xe hơi cũng sử dụng kiểu thiết kế loa 2 đường tiếng với 2 củ loa có kích thước khác nhau lắp đặt trong cùng 1 thân loa. Một số hệ thống âm thanh hi-end trên xe ô tô còn được tích hợp thêm 1 củ loa mid-range hoặc tweeter ở chính giữa dashboard để làm kênh trung tâm, từ đó giúp âm trường trở nên rộng hơn.

Tuner trên xe ô tô

Tuner là bộ chỉnh tần số thu sóng radio AM/FM. Hiện nay, công nghệ HD Radio đã được áp dụng nhằm cung cấp các dịch vụ radio qua vệ tinh, từ đó đem lại chất lượng âm thanh tốt hơn nhiều so với trước kia.

Công nghệ HD Radio là một hình thức tiên tiến cho phép phát cùng lúc nhiều tần số radio trên các kênh phụ (sub-frequency), chỉ dành riêng cho các bộ tuner có hỗ trợ HD Radio. Hiện tại, đa số các bộ thu radio trên xe ô tô đời mới đều có hỗ trợ công nghệ HD Radio. Radio tuner sẽ luôn cần tới anten để thu sóng. Trước đây, chúng ta thường thấy kiểu anten dạng kim loại nhưng hiện tại chúng đã được thiết kế mới với nhiều kiểu dáng bắt mắt mà không chiếm quá nhiều diện tích. Anten của tuner trong dàn âm thanh trên ô tô đời mới thường được đặt dưới kính chắn gió hoặc kính sau để cải thiện tính thẩm mỹ cho nội thất xe.

Hệ thống âm thanh ô tô hỗ trợ những nguồn phát âm thanh nào?

nguon-phat-am-thanh-tren-xe-oto

Đầu phát trung tâm của hệ thống âm thanh trên xe ô tô có thể tích hợp nhiều nguồn phát khác nhau như ổ USB, ổ CD, DVD, WAV, FLAC, hộc băng cassette, hay thậm chí có cả ổ cứng gắn bên trong với dung lượng tùy ý nâng cấp.

Đa số những hệ thống âm thanh ô tô hiện đại sẽ hỗ trợ kết nối máy nghe nhạc vào dàn âm thanh bằng jack cắm và điều khiển thông qua đầu phát. Kết nối với các thiết bị này thường là dây cắm AUX từ jack tai nghe của máy nghe nhạc. Sử dụng máy nghe nhạc để thao tác chuyển bài, chọn bài, còn đầu phát trung tâm sẽ điều khiển âm lượng. Việc cắm dây kiểu này cũng không làm hao thêm pin của máy nghe nhạc cầm tay. Tiện hơn, bạn có thể cắm trực tiếp USB đã lưu trữ sẵn nhạc vào đầu phát trung tâm để nghe trực tiếp.

Ngoài ra, một số dòng đầu phát trung tâm còn hỗ trợ khe cắm thẻ nhớ SD. Việc sử dụng giao thức kết nối không dây qua Bluetooth giúp bạn có thể vừa nghe nhạc vừa trò chuyện với trên điện thoại di động. Tuy nhiên, hình thức kết nối này có hạn chế là chỉ hỗ trợ các thao tác điều khiển đơn giản và đầu phát trung tâm không thể hiển thị thông tin của bài hát.

Ngoài ra, nếu xe ô tô của bạn có hỗ trợ kết nối với Apple Carplay thì càng tiện lợi hơn. Để kích hoạt được CarPlay, bạn sẽ nhấn vào một nút trên vô lăng và điều khiển chúng bằng giọng nói hoặc thực hiện thao tác trực tiếp trên màn hình cảm ứng. Màn hình trên xe ô tô sẽ giúp mở rộng cho iPhone/iPad, thông qua cổng Lightning và cho phép lái xe điều khiển ngay trên đó.

Tương tự những giao diện của xe ô tô khác, CarPlay có hỗ trợ điều khiển trên màn hình cảm ứng nhưng ưu việt hơn ở chỗ được bổ sung thêm tính năng dẫn đường bằng giọng nói thông qua Siri. Nhờ đó, CarPlay cũng hỗ trợ rất nhiều các tính năng trợ lý ảo cho phép người dùng truy cập danh bạ voicemail, nghe nhạc,… mà không cần thao tác điều chỉnh thủ công.

Tìm hiểu chi tiết về loa ô tô – thiết bị quan trọng nhất trong hệ thống âm thanh trên ô tô

Loa là thiết bị âm thanh quan trọng và thiết yếu nhất có trên tất cả các dòng xe ô tô từ bình dân đến cao cấp. Vậy loa ô tô có cấu tạo như thế nào? Phân loại ra sao?

Cấu tạo của loa ô tô

loa-xe-oto

Loa ô tô có cấu tạo gồm các bộ phận:

  • Củ loa: Gồm cuộn dây gắn với màng loa được đặt trong từ trường nam châm vĩnh cửu. Khi có dòng điện chạy qua, cuộn dây sẽ rung động tạo nên các dao động thông qua màng loa truyền ra ngoài.
  • Thùng loa: Bên trong chứa toàn bộ củ loa. Độ dày, vật liệu và cấu tạo của thùng loa ảnh hưởng rất lớn đến âm thanh phát ra từ loa.
  • Lỗ dội âm: Là các lỗ liên kết với thùng loa nhằm bảo vệ màng loa đồng thời cũng là nơi âm thanh thoát ra.

Ngoài ra, trong hệ thống âm thanh trên xe ô tô cũng cần đến sự góp mặt của một số bộ phận phụ kiện khác như: jack cắm, dây điện, giá cố định loa,…

Các dải tần số của loa ô tô

Cũng như các hệ thống âm thanh thông thường khác, âm thanh trên xe hơi được phân thành 3 dải âm chính tương ứng với 3 dải tần số đó là:

  • Âm Bass: Tần số nằm trong khoảng từ 20 Hz – 500 Hz. Âm Bass là dải âm trầm, thấp, biểu thị độ trầm của âm thanh.
  • Âm Mid: Dải tần nằm trong khoảng 500 Hz – 6.000 Hz. Âm Mid là dải âm trung, giọng nói, tiếng kêu động vật… đều nằm trong dải âm này.
  • Âm Treble: Tần số nằm trong khoảng 6.000 Hz – 20.000 Hz. Âm Treble là dải âm cao, biểu thị cho độ bổng của âm thanh.

Nguồn phát âm thanh qua loa trên xe ô tô thường là:

  • Đầu đĩa CD, DVD: Trước đây, khi đĩa CD và DVD còn được sử dụng phổ biến thì các hãng sản xuất ô tô thường trang bị trên xe loại đầu đọc CD hoặc DVD, âm thanh khi trình chiếu sẽ phát qua dàn loa.
  • Tuy nhiên ngày nay việc sử dụng đĩa CD hay DVD đã lỗi thời. Thay vào đó, đa phần các mẫu xe ô tô đời mới đã trang bị màn hình ô tô. Nó đóng vai trò như một chiếc máy tính bảng trên xe và nếu được kết nối internet, người lái xe có thể xem phim, nghe nhạc trực tuyến và âm thanh từ màn hình sẽ được truyền phát qua hệ thống các loa bố trí trên xe. Hiện nay, hệ thống loa ô tô chủ yếu đều phát âm thanh từ màn hình giải trí trên xe.
  • Cổng AUX, USB: Thông qua các cổng kết nối này, người dùng có thể kết nối hệ thống loa ô tô với các thiết bị khác như máy MP3, điện thoại,…

Các loại loa xe hơi phổ biến nhất

Loa trầm và loa siêu trầm

Loa trầm và loa siêu trầm trên ô tô là loại loa thể hiện âm thanh dải Bass trầm. Trong đó, loa trầm thể hiện âm thanh dải tần thấp, còn loa siêu trầm thể hiện âm thanh dải tần siêu thấp.

Đặc điểm của loa trầm và loa siêu trầm là có kích thước lớn, thùng loa to để tạo ra tiếng bass đầy và mạnh mẽ. Công suất của các dòng loa này thường lớn nên chúng được lắp dưới gầm ghế xe hay phía sau cốp xe.

Loa Sub ô tô lại được chia thành 2 loại là Sub hơi và Sub điện. Cụ thể, loa Sub hơi bên trong không có bộ khuếch đại âm thanh riêng mà sẽ lấy tín hiệu từ amply tương tự như các loại loa bình thường khác. Trong khi đó, loa Sub điện được tích hợp bộ khuếch đại âm thanh, có khả năng loại bỏ những âm có tần số cao và giữ lại âm trầm có tần số thuộc dải Bass.

Loa trung Mid

Loa trung Mid còn được gọi là loa trung tâm (Center). Đây là loại loa tập trung thể hiện âm thanh dải trung, đây là những âm thanh có tần số phổ biến nhất. Loa Mid được xem là loại loa cơ bản nhất và không thể nào thiếu được. Các dòng loa đi kèm những thiết bị điện tử như TV, màn hình giải trí ô tô,… đều là loa Mid.

Loa Mid trên xe ô tô có kích thước từ 3 – 5 inch thường được lắp ở cửa xe. Do không nhất thiết phải có thùng loa nên nhà sản xuất thường tận dụng ốp cửa xe để làm thùng cho loa Mid.

Loa Treble

Loa Treble còn được gọi là loa tép, là loại loa thể hiện âm thanh cao, bổng. Loa Treble trên xe ô tô thường chỉ nhỏ từ 1 đến 2 inch và được lắp ở ngay góc taplo sáp kính lái hoặc vị trí ốp cánh cửa xe…

Có nên độ loa ô tô hay không?

do-loa-oto

Nâng cấp hệ thống âm thanh xe hơi là giải pháp được nhiều người lựa chọn để cải thiện trải nghiệm âm thanh cho xe ô tô của mình. Như đã nêu ở phần trên, hệ thống âm thanh của đa số các dòng xe ô tô phổ thông hiện nay đều chỉ ở mức tạm, ít loa và loa thường ở dải tần Mid cơ bản. Chính vì thế chúng không thể mang tới trải nghiệm lý tưởng về âm thanh hay âm sắc trầm bổng rõ ràng.

Mặt khác, các dòng xe phổ thông thường có thân vỏ mỏng, cách âm kém nên hệ thống âm thanh tốt lại càng được khách hàng quan tâm. Độ loa ô tô, đây được xem như giải pháp hữu hiệu để lấn át đi tiếng ồn bên trong cabin xe. Đó cũng chính là lý do vì sao xu hướng “độ” thiết bị âm thanh trên xe ô tô lại trở nên thịnh hành đến vậy.

Ngoài độ loa thì bạn cũng có thể nâng cấp các thiết bị khác như amply, nguồn phát. Ô tô ngày nay không chỉ đơn thuần là phương tiện di chuyển mà còn là nơi con người ta mong muốn có được trải nghiệm tiện nghi, cao cấp hơn. Việc “độ” âm thanh xe hơi sẽ giúp âm thanh trong xe trở nên chuẩn mực hơn, cho trải nghiệm xem phim, nghe nhạc sống động, chân thực hơn. Điều này góp phần tạo nên sự thú vị cho những chặng đi của bạn.

Một số thương hiệu loa xe ô tô tốt nhất hiện nay

Hiện nay có rất nhiều nhà sản xuất âm thanh các phân phối các dòng loa ô tô với mẫu mã đa dạng. Tuy nhiên, phổ biến và được đánh giá cao nhất là sản phẩm đến từ 3 thương hiệu sau đây:

Thương hiệu loa ô tô Bose

Bose là thương hiệu thiết bị âm thanh nổi tiếng của Mỹ với các sản phẩm phủ sóng tại nhiều quốc gia trên thế giới. Với lịch sử phát triển lâu đời, Bose đã cung cấp ra thị trường những nhiều loại thiết bị âm thanh chất lượng, trong đó có loa ô tô. Loa ô tô Bose được đánh giá cao về chất lượng, độ bền cũng như khả năng truyền tải âm thanh. Mẫu sản phẩm của thương hiệu này đa số được dùng cho các loại xe ô tô cao cấp như BMW, Audi hay Mercedes,….

Thương hiệu loa ô tô Pioneer

Pioneer là thương hiệu âm thanh của Nhật Bản. Với những dòng loa sub cho ô tô giá thành hợp lý, loa Pioneer thường được sử dụng để trang bị cho các loại xe nổi tiếng như Honda hay Toyota,…

Thương hiệu loa ô tô Focal

Focal là hãng sản xuất âm thanh lâu đời của Pháp. Ưu điểm nổi bật của loa tô tô thương hiệu Focal này là chất lượng âm thanh cực chuẩn cùng độ bền cao. Tuy nhiên giá thành lại tương đối cao so với mặt bằng chung, giao động từ khoảng 10 – 20 triệu đồng một sản phẩm.

Bài viết trên đã cung cấp cho các bạn từ A-Z mọi thông tin về hệ thống âm thanh trên ô tô. Qua đây có thể thấy, chỉ những mẫu xe hơi đắt tiền mới được trang bị sẵn dàn âm thanh chất lượng còn hầu như thiết bị âm thanh trên các mẫu xe phổ thông chỉ mang tính chất đủ dùng, không thể cho trải nghiệm lý tưởng như nhiều người mong muốn.